Ngôn từ mà con nghe được có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách, thái độ sống, tâm lý của con. Đôi khi chỉ với một vài câu nói đẹp lòng mà mọi chuyện trở nên tốt hơn; nhưng cũng có những lời nói làm tổn thương, đau lòng người khác hoặc làm mọi việc xấu đi… Do đó, ba mẹ cần sử dụng ngôn từ tích cực, ngay lành, có ý nghĩa để nói chuyện với bé hàng ngày; ngay từ lúc mang bầu, sinh con ra cho đến khi con trưởng thành... để con trẻ có được nền tảng phát triển nhân cách, tâm lý, thái độ sống, tư duy, nhận thức, góc nhìn thật vững vàng ngay từ nhỏ ba mẹ nhé!
Những cách nói Cửa Sổ Vàng đề xuất dưới đây hy vọng sẽ giúp ba mẹ bày tỏ tình yêu thương và khích lệ tới con đúng mực, trở nên gần gũi với con nhiều hơn và tạo động lực để con phát triển tốt.
Thay vì nói “Sao con chậm thế?”, “Vẫn đứng ngớ người đấy à, mẹ sắp phát điên rồi đây”, “Con đừng nói gì nữa mà hãy nhanh chân lên” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Con luôn chậm chạp và làm vướng chân ba mẹ”, “Con không quan trọng gì cả”, “Con không được mở miệng ra nói chuyện”.
Ba mẹ nên nói “Con cần bao nhiêu phút nữa để xong trò chơi này?”, “Mẹ đang có việc bận nên mẹ sẽ rất vui nếu con cố gắng nhanh hơn chút nhé”, “5 phút nữa chúng ta đi nhé con”.
Thay vì nói “Con chơi xong mà không biết dọn đồ chơi à?”, “Nhà cửa thật bừa bộn”, “Mẹ sắp phát điên lên vì những thứ đồ chơi linh tinh này rồi đó” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Con luôn bừa bãi và không biết sống ngăn nắp”, “Vì con nên nhà cửa mới bừa bộn”, “Mẹ sẽ nổi điên và đánh con vì chơi những thứ này”.
Ba mẹ nên nói “Một đứa trẻ ngoan sẽ biết dọn dẹp những thứ mình chơi xong. Mẹ biết con mẹ là đứa trẻ ngoan mà”, “Cùng ba dọn dẹp lại nhà cửa nhé con. Nó sẽ giúp con học được tính ngăn nắp”, “Mẹ rất vui nếu con làm việc này đấy”.
Thay vì nói “Đến cả việc tự ăn mà con cũng không làm được à?”, “Mặc cái áo mà cũng không xong nữa”, “Lớn chồng ngồng rồi còn không biết quét cái nhà” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Ăn uống mà cũng khổ sở, không biết làm được gì”, “Thật kém cỏi khi đến cái áo cũng mặc sai”, “Con chẳng làm được tích sự gì”.
Ba mẹ nên nói “Ba biết con thích ăn món này mà, xem ba ăn rồi con cũng sẽ làm được như ba”, “Mẹ sẽ làm mẫu nhé, mẹ biết con làm được mà”, “Con là chàng trai gương mẫu, cùng mẹ làm việc nhà con nhé. Nó rất vui đấy”.
Thay vì nói “Ba mẹ cấm con không bao giờ được như vậy nữa biết chưa?”, “Lần sau con còn thế thì đừng trách mẹ đấy”, “Con hư thế” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Ba mẹ không cần biết nguyên nhân, con sai thì sẽ bị trách phạt”, “Con thật phá phách”, “Con là một đứa trẻ hư trong mắt ba mẹ”.
Ba mẹ nên nói “Lần sau con chú ý cẩn thận hơn nhé”, “Ai cũng có lúc mắc sai lầm, nhưng mẹ tin con sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau”, “Mẹ hy vọng con không lặp lại điều này nữa”.
Thay vì nói “Con làm như này là không đúng”, “Con không được làm như thế”, “Dừng lại ngay rồi làm theo mẹ nói” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Con không được phép làm theo ý mình, “Con phải làm theo ý ba mẹ muốn”, “Con luôn phải nghe theo chỉ đạo của người khác”.
Ba mẹ nên nói “Mẹ nghĩ con sẽ làm tốt hơn nếu con cố gắng hơn đấy”, “Theo ba thì con làm chưa đúng lắm, thử lại cách khác xem”, “Nếu là mẹ thì mẹ làm thế này này… Con nghĩ sao?”.
Thay vì nói “Ba nghĩ là thôi, con sẽ không làm ra gì đâu”, “Mẹ biết kiểu gì con cũng không hoàn thành được”, “Con mà làm được thì ba mẹ bằng con kiến” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Con không thể nào tự làm được việc ấy”, “Con không biết sáng tạo nên thôi đừng làm”, “Rồi con sẽ thất bại mà thôi”.
Ba mẹ nên nói “Con định làm nó như thế nào? Hãy sáng tạo theo những gì con thích. Nếu có thể, con muốn ba góp ý gì không?”, “Mẹ tin là con sẽ làm được. Cố lên!”, “Không sao mà. Cho dù chưa thành công thì con cũng có được bài học cho mình”.
Thay vì nói “Con học hành thế nào mà sao toàn bị điểm kém?”, “Nếu con không cố gắng điểm cao, con sẽ bị phạt”, “Mẹ biết ngay mà, con có học hành gì đâu” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Con không hề cố gắng”, “Ba mẹ sẽ không thương con nữa nếu con không được điểm cao”, “Con luôn lười nhác không tập trung học hành”.
Ba mẹ nên nói “Một lần thất bại sẽ giúp con nhận ra nhiều bài học, hãy cố gắng hơn nhé!”, “Mẹ nghĩ là chắc chắn con sẽ làm tốt hơn nếu con tập trung hơn”, “Mẹ biết con đã cố gắng. Nhưng mẹ muốn con nhìn lại và nỗ lực hơn”.
Thay vì nói “Nín ngay! Con không được khóc nữa”, “Thôi được rồi con nín đi rồi mẹ cho đi chơi”, “Nếu con khóc mẹ sẽ nhốt con ở phòng một mình đấy” sẽ khiến trẻ có thể nghe thành “Con khóc lóc làm mẹ bực bội và chán ghét”, “Mẹ thua rồi, mỗi lần khóc là mẹ lại bó tay”, “Con sẽ bị bỏ rơi nếu cứ mãi khóc”.
Ba mẹ nên nói “Nếu muốn con hãy khóc cho thoải mái, đến khi ổn thì mẹ cùng con nói chuyện nhé”, “Mẹ biết là con muốn đi chơi, nhưng nếu con nín và nói rõ lý do muốn được đi thì mẹ sẽ suy nghĩ”.
Sử dụng ngôn từ tích cực để dạy con là một phương pháp nuôi dạy con hiệu quả, đúng đắn. Muốn con trở thành người hiểu lẽ và khôn ngoan, ba mẹ cần nhập tâm cho con bằng những ngôn từ ngay lành, tích cực để con nhập tâm và học theo. Việc sử dụng lời nói tốt đẹp, tích cực cũng là cách ba mẹ thể hiện sự yêu thương, tôn trọng con đúng mực; giúp bé học cách tôn trọng mọi người cũng như chính mình, và hình thành thái độ sống đúng đắn ngay từ nhỏ.